Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018

"Chuẩn quốc tế" trong mắt doanh nhân Việt


Năm 2017 chứng kiến không ít doanh nghiệp (DN) Việt Nam vật lộn với khó khăn khi cánh cửa hội nhập gần như mở toang, sự thâm nhập của DN nước ngoài với công nghệ hiện đại và năng lực tài chính vượt trội gần như lấn lướt trong "cuộc đua" chiếm lĩnh thị trường.

Tuy nhiên, hầu hết DN Việt Nam cho rằng, hội nhập quốc tế là cơ hội tự nhìn lại mình để điều chỉnh quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm, quản trị nguồn lực sao cho phù hợp với quy luật cung cầu thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Nhân số báo đầu tiên của năm Mậu Tuất, Báo Doanh Nhân Sài Gòn ghi nhận ý kiến của một số doanh nhân trong lĩnh vực bán lẻ, xuất khẩu nông sản, xây dựng, du lịch để nghe họ nói về những thành quả đạt được, những khó khăn, thách thức trong năm 2018 cũng như giải pháp phát triển DN.

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh: Năm 2018 là cơ hội cho các nhà sản xuất nông sản Việt Nam




Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh


Chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2017, giá tiêu giảm đến 50%, khiến việc kinh doanh của DN đối diện với bao khó khăn, người mua bị thiệt hại nặng nề, vừa mua đã lỗ, từ lúc mua đến lúc nhận hàng có khi lỗ đến 30 - 40%. Người bán cũng không vui vẻ gì khi vừa bán xong, vừa giao hàng xong là người mua bị thiệt hại, đẩy thị trường vào tình trạng bấp bênh.

Với ngành tiêu, từ năm 2012 đến 2016, giá tăng liên tục thì năm 2017 diễn biến hoàn toàn trái chiều.Năm 2017 là năm mà ngành nông sản Việt Nam "trồi lên sụt xuống". Chẳng hạn như ngành tiêu năm rồi chứng kiến sự biến động về giá. Trong 15 năm qua, giá tiêu có hai lần biến động mạnh, đó là năm 2008, thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cần và năm 2017.

Tuy nhiên, theo tôi, dù giá lên hay xuống thì trong kinh doanh, việc giữ chữ tín là rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của DN. Công ty Phúc Sinh của chúng tôi từ trước đến nay chỉ chọn đối tác uy tín cả bên mua lẫn bên bán. Do đó, dù giá có biến động thế nào thì khách hàng vẫn thanh toán đầy đủ, bởi Phúc Sinh vẫn làm vậy với đối tác.

Năm 2017 cũng là năm điểm mà chất lượng cà phê xuống thấp nhất trong 10 năm qua. Mưa nhiều trong thời gian thu hoạch khiến chất lượng cà phê bị ảnh hưởng nặng. Song Phúc Sinh chỉ chọn mua quả tốt và sẵn sàng trả giá cao để đảm bảo chất lượng, giữ đúng cam kết với khách hàng. Trong kinh doanh, khó khăn chính là thử thách để DN tìm ra phương án tối ưu.

Nguồn cung nông sản của Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều với sự đa dạng mặt hàng và chất lượng bảo đảm và người mua trên thế giới cũng bắt đầu xem Việt Nam là nhà cung cấp uy tín. Đó là cơ hội nhưng kèm theo phải cạnh tranh dữ dội, mọi thứ không dễ dàng như trước. Song, các công ty chăm chỉ sáng tạo sẽ có đất sống và tôi luôn hy vọng đây là năm cơ hội cho nông sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc Thường trực Saigon Co.op: 2018 sẽ là năm bùng nổ của bán lẻ hiện đại


Nếu quan sát quá trình phát triển của Saigon Co.op thì sẽ thấy việc tương tác với các nhà bán lẻ nước ngoài đã diễn ra từ cách nay hơn 20 năm khi siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh đầu tiên khai trương vào năm 1996. Nếu các nhà bán lẻ nước ngoài có thế mạnh về vốn và kinh nghiệm quốc tế thì Saigon Co.op và các nhà bán lẻ trong nước lại có thế mạnh riêng về am hiểu thị trường, từ nguồn hàng đến thói quen tiêu dùng của người dân cũng như kinh nghiệm tích lũy từ chương trình hợp tác với các tổ chức hợp tác xã và bán lẻ nước ngoài.

Có thể nói năm 2017 là năm mà các nhà bán lẻ trong và ngoài nước chủ yếu định vị thương hiệu và đầu tư củng cố điểm bán và năm 2018 sẽ là năm bùng nổ của bán lẻ hiện đại trên cơ sở các điểm bán hoàn thiện và đi vào hoạt động.




Ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc Thường trực Saigon Co.op


Việc chủ động đầu tư phát triển hệ thống siêu thị Co.opmart đến các tỉnh - thành ngoài khu vực TP.HCM được Saigon Co.op thực hiện khá sớm, đến nay đã vượt con số 60, phân bổ trên cả ba miền đất nước. Đặc biệt, một số tỉnh - thành đã xuất hiện siêu thị Co.opmart thứ hai, thứ ba. Saigon Co.op đang duy trì tốc độ phát triển trung bình hơn 10 siêu thị Co.opmart mỗi năm, chưa kể chuỗi cửa hàng thực phẩm Co.op Food, cửa hàng bách hóa Co.op Smile, cửa hàng tiện lợi Cheer, trung tâm thương mại Sense City, đại siêu thị Co.opXtra đang được tập trung phát triển tại TP.HCM và các tỉnh - thành.

Trong năm 2018, bên cạnh việc phát triển siêu thị Co.opmart, Saigon Co.op sẽ đầu tư phát triển hệ thống bán lẻ theo hướng đa kênh, sẽ cho ra mắt các loại hình thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Công ty Vietravel: Chú trọng giá trị "mềm" của ngành du lịch hơn là con số


Việt Nam đặt mục tiêu năm 2020 thu hút 20 triệu lượt khách nước ngoài, nhưng năm 2018, Thái Lan dự báo đạt 36 triệu. Năm 2011, khách nước ngoài đến Nhật Bản và Việt Nam bằng nhau, khoảng 6 triệu lượt nhưng năm 2017 Nhật đón 19 triệu lượt khách. Năm rồi, Việt Nam đón 3 triệu lượt khách Trung Quốc đã bị quá tải và cả thị trường "rối như tơ vò”. So sánh vậy để thấy hạ tầng du lịch của ta có vấn đề, năng lực điều phối chưa ổn nên nếu tăng lượng khách ngay lập tức sẽ rối loạn thị trường.Năm 2017, Việt Nam đón 13 triệu khách nước ngoài, nhưng cũng cần suy xét để tránh "lạc quan tếu". Đánh giá chất lượng du lịch cần soát xét từ dịch vụ, quảng bá, nguồn nhân lực, cách thức phân bố nguồn lực... Nếu tính du lịch nội địa thì Việt Nam có hơn 90 triệu dân, thị trường nằm ở top 20 thế giới, là nơi mà ngành du lịch nhiều nước đang nhìn vào để tìm cách khai thác.



Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Công ty Vietravel


Cấu trúc DN trong lĩnh vực du lịch cũng là vấn đề. Có quá nhiều DN lữ hành nhưng không có nhiều DN đủ năng lực đối trọng với DN nước ngoài. Bằng chứng là DN Việt Nam xúc tiến ở Trung Quốc rất ít nhưng khách Trung Quốc vào Việt Nam đứng đầu. Chính các DN du lịch Trung Quốc đi mở thị trường, tìm điểm đến nên chúng ta bị động do không chuẩn bị tốt năng lực để tiếp nhận, chưa khai thác đúng mức.

Trong cơ cấu ngành du lịch, 30% thu từ chính ngành du lịch (yếu tố cứng) và 70% từ các ngành dịch vụ (yếu tố mềm). Chúng ta đang tập trung khai thác "phần cứng" mà thiếu quan tâm đến "giá trị mềm" dẫn đến đầu tư không đúng và đủ cho hệ thống dịch vụ, giá trị nguồn thu thấp. Việc thiếu chính sách điều tiết hợp lý khiến mỗi địa phương "tự bơi" và thiếu kết nối.

Một giá trị cần lưu ý là ngành du lịch đang lãng phí sản phẩm về đêm vốn là "dịch vụ mềm" tạo nguồn thu rất lớn, kéo khách đến và trở lại. Du khách rất ít quay lại vì yếu tố lịch sử, trừ những nhà nghiên cứu, mà quay lại bởi các dịch vụ hấp dẫn. Trong khi chi phí khai thác một khách mới cao gấp 5 lần giữ chân khách cũ, khiến chi tiêu cho mỗi đơn vị khách tăng và vòng đời thấp, lãng phí tài nguyên.

Đối với Vietravel, tăng trưởng doanh thu bình quân những năm qua đạt 20 - 25%. Như vậy là ổn. Mỗi năm mừng một ít nhưng rồi lại lo cho năm sau cũng như nỗi lo chung của cả ngành du lịch. Năm mới, chúng tôi sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị dịch vụ để tạo ra hệ sinh thái du lịch đa dạng phục vụ khách hàng.

Mục tiêu nào thì cũng sẽ xoay quanh trục du lịch lữ hành, kèm theo là thúc đẩy nhiều mảng kinh doanh như vận chuyển, du học, đào tạo, xuất khẩu lao động, lưu trú. Chúng tôi cũng xác định mô hình kinh doanh du lịch không chỉ hoạt động tốt ở thị trường trực tiếp mà còn cả thị trường trực tuyến dựa vào nền tảng công nghệ.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Xuất khẩu ngành xây dựng sẽ mang về nhiều lợi ích cho quốc gia


Có thể khẳng định, ngành xây dựng Việt Nam chỉ tăng trưởng vượt bậc khi xuất khẩu ra nước ngoài và sẽ mang về cho quốc gia nguồn thu ngoại tệ rất đáng kể. Sau thời gia học hỏi, cọ xát với các DN xây dựng hàng đầu trên thế giới (khi họ hoạt động tại Việt Nam), đến nay, những DN xây dựng Việt Nam nói chung và Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nói riêng đã có khả năng cung cấp dịch vụ xây dựng tổng hợp với chất lượng cao, đặc biệt là xây dựng nhà ở cao tầng.Thị trường xây dựng nước ngoài với quy mô lên đến hàng chục nghìn tỷ USD, gấp vài trăm lần thị trường trong nước, là một thị trường tiềm năng và là mục tiêu mà ngành xây dựng Việt Nam cần hướng đến. Trên thực tế, ngành xây dựng Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh ở thị trường nước ngoài.



Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình


Tính cạnh tranh của nhà thầu Việt Nam chủ yếu ở trình độ chuyên môn cao nhưng bên cạnh đó còn là sự cạnh tranh của chi phí nhân công, vật liệu xây dựng, dịch vụ tư vấn thiết kế, giám sát thi công, quản lý dự án và nhiều dịch vụ liên quan khác.

Thêm một lợi thế quan trọng khác là số lượng kỹ sư và chuyên gia ngành xây dựng Việt Nam cao gấp ba lần mức bình quân thế giới, bởi xây dựng là một ngành không được giới trẻ ở các nước phát triển ưa chuộng (Việt Nam bình quân có 9.000 kỹ sư, chuyên gia xây dựng/triệu dân, trong khi của thế giới là 3.000).

Năm 2011, Hòa Bình tham gia hai công trình tại Malaysia trong vai trò nhà thầu quản lý xây dựng, đó là chung cư cao cấp Le Yuan Residence và cao ốc thương mại - văn phòng Desa Commercial. Năm 2012, Hòa Bình đã tham gia xây dựng GEMS tại Myanmar cũng trong vai trò nhà thầu quản lý. Khi ấy, GEMS là một trong số ít nhà cao tầng ở Yangon.

Tại đây, chúng tôi đã thành công trong việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc cho các nhà thầu phụ địa phương, rút ngắn tiến độ thi công bình quân từ 19 ngày/sàn xuống còn 6 ngày/sàn với diện tích mỗi sàn là 2.000m2. Hiện nay, trong nước, Hòa Bình có khả năng tổ chức thi công 3 ngày/sàn.

Sau những bước đi thăm dò thành công, Hòa Bình đã chuẩn bị nguồn lực cho việc xuất khẩu dịch vụ xây dựng đến một thị trường đang phát triển nóng như Kuwait, với gói thầu kết cấu bê tông cốt thép của công trình Criminal Evidence Headquarters trị giá 35 triệu USD. Đồng hành với chúng tôi trong công trình này còn có Sona, Vinacom, PTSC-POS, Vneco, Lilama 18, Cienco 4. Đây được xem là thành công bước đầu trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược hợp chuẩn quốc tế - định vị thương hiệu của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Theo tôi, việc cọ xát với thị trường nước ngoài là phương cách hữu hiệu nhằm nâng cao trình độ, năng lực cạnh tranh của không chỉ cho riêng Hòa Bình mà còn cho ngành xây dựng Việt Nam, đảm bảo luôn theo kịp trình độ quốc tế. Đồng thời, việc xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp của Việt Nam ra nước ngoài còn bảo đảm cung cấp việc làm cho lực lượng lao động trong ngành hiện chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn nhân lực của quốc gia.

Hơn nữa, sự phát triển của ngành xây dựng ra thị trường nước ngoài sẽ giúp các ngành khác trong chuỗi cung ứng phát triển, như vận chuyển, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn thiết kế, sản xuất vật liệu xây dựng... Muốn thực hiện được chiến lược này, không chỉ DN mà cần phải có sự đồng hành, tạo điều kiện về mặt thủ tục, chính sách hỗ trợ, tức phải có chiến lược mang tầm quốc gia.

Nguồn: Doanhnhansaigon.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phạm Tấn Nghĩa – Con đường khởi nghiệp đầy tâm huyết

Doanh nhân Phạm Tấn Nghĩa tâm sự – “Ban đầu, chính tôi chọn lĩnh vực giáo dục nhưng càng ngày tôi càng thấy mình hợp với nghề nên có lẽ ngh...